image banner
Chuyển đổi số ngành Tài chính: Nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn
Ngày 21/9/2023, Cục Tin học và Thống kê Tài chính và Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đồng tổ chức Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý ngân sách nhà nước năm 2023 - Vietnam Digital Finance 2023 (VDF 2023) với chủ đề “Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững”.
Ưu tiên phát triển chuyển đổ số ngành Tài chính
Ông Nguyễn Việt Hà, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính) phát biểu khai mạc Hội thảo

Chuyển đổi số lĩnh vực tài chính - yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia

Trong nhiều năm qua, Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý ngân sách nhà nước là hoạt động thường niên được Cục Tin học và Thống kê Tài chính phối hợp cùng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa các nhà quản lý, xây dựng chính sách tài chính - ngân sách nhà nước, các chuyên gia công nghệ thông tin.

Đây là sự kiện uy tín của ngành Tài chính với mục tiêu trở thành diễn đàn giúp các nhà hoạch định chính sách và chiến lược, các chuyên gia đầu ngành, các nhà cung cấp giải pháp hàng đầu trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi và thảo luận về những xu hướng mới trong lĩnh vực chuyển đổi số ngành Tài chính.

Tham dự Hội thảo lần này có đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công Thương; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); các ngân hàng thương mại; đại diện các hiệp hội; đại diện một số trường đại học, viện nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và kinh tế số; đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Việt Hà, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, ngày 4/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã ký Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023.

Theo đó, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tập trung chỉ đạo, điều phối các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình, chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

“Với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nói riêng”, ông Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh.

Theo ông Hà, năm 2023, nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số của ngành Tài chính nói riêng là rất nặng nề, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả.

Vì vậy, Hội thảo năm nay là diễn đàn để các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp thảo luận về yêu cầu chuyển đổi số trong quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức trong nước và quốc tế nắm bắt thông tin về kế hoạch triển khai của ngành Tài chính, từ đó đề xuất tư vấn các mô hình, công nghệ và thực tiễn tốt nhất cho Bộ Tài chính.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý tài chính - ngân sách nhà nước

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 đã xác định ngành Tài chính là một trong những ngành có mức độ sẵn sàng cao trong tham gia cuộc CMCN 4.0 và cần được tập trung ưu tiên phát triển.

Ghi nhận và đánh giá cao về công tác tổ chức Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết, chủ đề Hội thảo năm nay “Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững” càng có ý nghĩa quan trọng hơn khi năm 2023 được xác định là năm dữ liệu số quốc gia và vấn đề xây dựng, phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra giá trị mới.

Đối với riêng ngành Tài chính, ông Hiển nhấn mạnh, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều nghị quyết và quyết định về chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số của Bộ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để thực hiện các nghị quyết của Đảng và các nghị quyết, chiến lược của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm xây dựng và phát triển dữ liệu của ngành Tài chính và đã thu được nhiều kết quả nổi bật.

Chuyển đổi số ngành Tài chính: Nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn
Quang cảnh Hội thảo.

Trong nhiều năm liên tiếp, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (chỉ số ICT Index).

Về xếp hạng theo chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI), năm 2022, Bộ Tài chính đứng top 2 trong số các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công; các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc luôn tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số với các kết quả ấn tượng. Cụ thể, trong lĩnh vực thuế, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc, trên 99% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế điện tử; trong lĩnh vực hải quan, 250 thủ tục hành chính được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia...

Các nền tảng về quản trị dữ liệu được xây dựng theo hướng tăng cường sự tương thích giữa các cơ sở hạ tầng thông tin của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân, đảm bảo chia sẻ dữ liệu của ngành Tài chính cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu khai thác, sử dụng…

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận 3 nội dung gồm: Thứ nhất, thảo luận, đánh giá một số kết quả chuyển đổi số chính của ngành Tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực dữ liệu số, đồng thời làm rõ những tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị về chủ trương, chính sách, nghiệp vụ gắn với giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính.

Thứ hai, thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm huy động nguồn lực tài chính quốc gia cho phát triển bền vững dựa trên dữ liệu số; chia sẻ các giải pháp trao đổi thông tin, thu thập số liệu, phân loại, làm sạch dữ liệu, xây dựng và phân tích cơ sở dữ liệu để nâng cao hiệu lực quản lý trong lĩnh vực tài chính nói chung và lĩnh vực thuế nói riêng.

Thứ ba, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, xu hướng các nước trên thế giới về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, từ đó đề xuất các giải pháp ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới (phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật) vào các lĩnh vực hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của ngành Tài chính.

Theo ông Nguyễn Việt Hà, để tiếp tục duy trì các thành tích đạt được và thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cần tập trung chỉ đạo, điều phối các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số và xã hội số, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng của Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính nói riêng, góp phần giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, mang lại sự hài lòng của người dân, tạo môi trường thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của Bộ Tài chính và qua đó cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.

Tại Phiên toàn thể, các đại biểu đã trình bày các tham luận về: huy động nguồn lực tài chính quốc gia cho phát triển bền vững dựa trên dữ liệu số đến năm 2030; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và phát triển dữ liệu ngành Tài chính; kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data) phục vụ cho việc phân tích, quản lý thuế theo nguyên tắc rủi ro; xu hướng và một số trường hợp phân tích dữ liệu ngành thuế, tài chính và giới thiệu kinh nghiệm, năng lực triển khai của đơn vị cung cấp; ứng dụng trí tuệ nhân tạo thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong khuôn khổ VDF – 2023, Bộ Tài chính còn tổ chức triển lãm về các kết quả ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính nói chung và thuế nói riêng. Bên cạnh đó, các gian hàng của các đơn vị cũng giới thiệu các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như các công nghệ về lưu trữ, phân tích dữ liệu lớn.

Chuyển đổi số ngành Tài chính: Nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn
Các đại biểu tham quan gian hàng tại triển lãm.
Nguồn https://haiquanonline.com.vn/chuyen-doi-so-nganh-tai-chinh-nhiem-vu-rat-nang-ne-doi-hoi-quyet-tam-cao-no-luc-lon-178392.html
  • Từ khóa :
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Thông báo mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
image banner